Biểu đồ Levey jenning là một công cụ trực quan dùng để kiểm soát chất lượng xét nghiệm, thông qua các giá trị nội kiểm và các quy tắc kiểm soát giúp chúng ta đánh giá quá trình đo lường có nằm trong tầm kiểm soát hay không?  Vậy Biểu đồ levey jennings là gì và tầm quan trọng của nó trong việc kiểm soát chất lượng xét nghiệm.

Biểu đồ levey jennings là gì?

Biểu đồ Levey jenning là một công cụ trực quan dùng để kiểm soát chất lượng xét nghiệm, thông qua các giá trị nội kiểm và các quy tắc kiểm soát giúp chúng ta đánh giá quá trình đo lường có nằm trong tầm kiểm soát hay không, từ đó đưa đến quyết định kết quả xét nghiệm có tin cậy hay không để trả cho bệnh nhân..

Để thiết lập được biểu đồ Levey Jenning, ta cần tới các giá trị trung bình (mean), và độ lệch chuẩn (SD), trên biểu đồ sẽ biểu thị những kết quả nội kiểm khi phân tích mẫu nội kiểm. Mỗi xét nghiệm sẽ có biểu đồ levey jenning riêng, chia thành các mức kiểm soát khác nhau tương ứng với các mức quyết định lâm sàng.

Giá trị trung bình (mean) là ước tính tốt nhất của phòng xét nghiệm về giá trị thực của một chất phân tích, cho một mức độ kiểm soát cụ thể.

Để tính được GTTB (mean), ta cần tính tổng các giá trị nội kiểm, rồi chia cho số lần thực hiện.

Về độ lệch chuẩn (SD), liên quan đến sự phân bố kết quả nội kiểm xung quanh giá trị trung bình. Độ lệch chuẩn càng lớn, sự phân bố càng rộng, lỗi ngẫu nhiên càng lớn và độ tập trung càng kém và ngược lại.

Cách tính độ lệch chuẩn như sau, SD bằng căn bậc 2 của tổng các bình phương giữa hiệu các giá trị nội kiểm trừ đi giá trị trung bình, chia cho số lần thực hiện nội kiểm trừ đi 1.

Sau khi đã xác định được giá trị trung bình và độ lệch chuẩn, ta sẽ xác định được các giới hạn kiểm soát. 

Giới hạn kiểm soát là các đường kẻ ngang trên biểu đồ, cung cấp các tiêu trực quan đánh giá một quy trình đo lường trong mức mức kiểm soát hay đã vượt mức kiểm soát.

Có các giới hạn kiểm soát quan trọng chúng ta cần lưu ý đó là ±1SD, ±2SD, ±3SD.

 

Trong khoảng ±1SD, thì sẽ có khoảng 68% kết quả nội kiểm nằm trong kiểm soát. Trong khoảng ±2SD, có khoảng 95.5% kết quả nội kiểm nằm trong kiểm và trong khoảng ±3SD có khoảng 99.7% các kết quả nằm trong kiểm soát.

Các kết quả nằm ngoài khoảng ±3SD được xem là đã gặp các lỗi nghiêm trọng, kết quả nội kiểm không được chấp nhận

 

Một chỉ số khác cũng rất quan trọng, đó là hệ số biến thiên (CV), được tính bằng phần trăm độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình.

Hệ số biến thiên được sử dụng để so sánh, đánh giá độ chính xác của phương pháp, thiết bị xét nghiệm. Xét nghiệm có hệ số biến thiên càng nhỏ thì có tính chính xác càng cao và ngược lại.

Ưu điểm của hệ số biến thiên đó là nó không phụ thuộc vào đơn vị đo lường, cũng như nồng độ của chất phân tích.

Quá trình đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm được thực hiện trên mẫu nội kiểm, trong đó nhà sản xuất đã cung cấp sẵn giá trị mean và SD. Tuy nhiên, giá trị mean và SD này của nhà sản xuất khá rộng, không phản ánh thực tế điều kiện thực tế tại phòng xét nghiệm. Do đó, phòng xét nghiệm cần tính toán lại giá trị mean và SD của mình.

Để xây dựng giá trị mean và SD riêng, PXN cần thu thập ít nhất 20 giá trị trong 10 ngày, nhưng tốt nhất là trong 20 ngày

Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về mẫu nội kiểm. Như đã nói ở trên, mẫu nội kiểm được sử dụng trong quá trình kiểm soát chất lượng để theo dõi độ tin cậy của hệ thống phân tích và duy trì hiệu suất của quá trình trong khoảng giới hạn đã được thiết lập.

Tuy vào xét nghiệm và hãng sản xuất, mà mẫu nội kiểm được đóng lọ dạng lỏng hoặc dạng đông khô, và được cung cấp nồng độ biết trước các chất phân tích trong đó.

Mẫu nội kiểm được thiết kế sao cho tương tự với mẫu bệnh phẩm, nguồn gốc có thể từ huyết thanh người, nước tiểu, dịch não tủy

Mẫu nội kiểm sẽ gồm 2 loại, loại chứa chất phân tích có nồng độ bình thường và loại chứa chất phân tích có nồng độ bất thường, trong đó gồm loại có nồng độ thấp hơn bình thường và cao hơn bình thước

 

Việc lựa chọn mức nội kiểm sẽ phụ thuộc vào nồng độ quyết định lâm sàng.

Trên đây, là các kiến thức quan trọng về Biểu đồ levey jenning, trong video tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách đánh giá biểu đồ Levey jenning thông qua các quy luật Westgard.