Để khảo sát các giai đoạn của quá trình đông máu một cách chính xác, thì giai đoạn chuẩn bị mẫu trước phân tích là cực kỳ quan trọng, một trong số đó là sử dụng ống nghiệm chứa chất chống đông phù hợp. Natri citrate thích hợp dùng cho các xét nghiệm đông máu, bởi nó chỉ bất hoạt tạm thời quá trình đông máu, khi tiến hành xét nghiệm, dùng hóa chất phục hồi Ca++, sự đông máu lại diễn ra bình thường. Hiện nay, ống nghiệm chứa chống đông Natri citrate với 2 mức nồng độ 3.8% và 3.2% được sử dụng phổ biến. Theo khuyến nghị của các hiệp hội như CLSI, ICSH, ISTH (*) thì ống nghiệm chứa Natri citrate với mức nồng độ 3.2% là phù hợp nhất cho các xét nghiệm đông máu

Xét nghiệm đông máu

Hình ảnh: Ống chống đông Natri citrate 3.2% của hãng BD

Khi cho máu vào ống Natri citrate cần tuân thủ chặt chẽ tỷ lệ máu cho vào và lượng chất chống đông có sẵn, tỷ lệ này thường là 9:1.

Nếu lượng máu lấy ít hơn có thể khiến thời gian hình thành cục đông bị kéo dài. Bởi sau khi chống đông bằng Natri citrate, muốn quá trình đông máu xảy ra cần phải bổ sung lại Ca2+. Khi máu cho vào ống chống đông ít hơn, tức là trong ống đang dư thừa Natri citrate, khi bổ sung Ca2+, lượng dư Natri citrate sẽ kết hợp hợp với một phần Ca2+ bổ sung vào, gây thiếu hụt Ca2+ cho việc khởi động lại quá trình đông máu. Do vậy thời gian đông có thể kéo dài hơn.

Ngược lại, nếu cho máu vào ống chống đông nhiều hơn, khi đó lượng chống đông Natri citrate trong ống không đủ để bất hoạt hết Ca2+ trong máu, một phần máu sẽ không đông. Do vậy sẽ ảnh hưởng tới thời gian đông máu có thể rút ngắn hoặc không xác định được.

 

Thực tế cho thấy, khi thực hiện xét nghiệm đông máu như PT và APTT kết quả sẽ không chính xác nếu bệnh nhân có Hct quá cao hoặc quá thấp. Cụ thể, nếu Hct trong khoảng 25-55% thì xét nghiệm đông máu như PT, APTT không bị tác động.

Xét nghiệm đông máu

Hình ảnh: Hct bệnh nhân trong khoảng 25 -55% sẽ không ảnh hưởng tới các xét nghiệm đông máu như APTT, PT

Khi bệnh nhân có Hct thấp < 25%, lượng huyết tương sẽ nhiều hơn tương tự với trường hợp cho dư máu, khiến lượng chống đông Natri citrate trong ống không đủ để bất hoạt hoàn toàn Ca++ trong huyết tương, sẽ ảnh hưởng tới thời gian đông máu có thể rút ngắn hoặc không xác định được.

xét nghiệm đông máu

Hình ảnh: Hct bệnh nhân nhỏ hơn 25%, có thể khiến thời gian đông bị rút ngắn.

Khi bệnh nhân có Hct cao > 55%, lượng huyết tương ít đi, tương tự với trường hợp cho ít máu, khi trộn máu với chống đông, khiến Natri citrate sẽ dư thừa, có thể gây kéo dài thời gian đông máu   

xét nghiệm đông máu

Hình ảnh: Hct bệnh nhân trên 55%, có thể khiến thời gian đông máu kéo dài.

Do đó, khi bệnh nhân có Hct < 25% hoặc Hct > 55%, kết quả các xét nghiệm đông máu như PT, APTT có thể bị ảnh hưởng, và trong trường hợp đó, theo khuyến nghị của CLSI thì nên sử dụng Natri citrate 3.2% và thể tích cần dùng sẽ được tính theo công thức Mac Gann 

xét nghiệm đông máu

 

Trong đó:

C: thể tích chống đông Natri citrate 3.2% cần dùng, đơn vị mL

Hct: thể tích khối hồng cầu của bệnh nhân, đơn vị %

Vblood: thể tích máu toàn phần lấy của bệnh nhân, đơn vị mL

Ví dụ: Bệnh nhân có Hct = 60%, thể tích máu toàn phần dự định sẽ lấy của bệnh nhân là 2 mL, thể tích chống đông Natri citrate 3.2% cần dùng cho bệnh nhân này là: 1.85 x 10-3 x (100 – 60) x 2 = 0.148. Vậy cần chuẩn bị 0.148 mL (hay 148 µL) chống đông Natri citrate 3.2% cho 2 mL máu toàn phần.

Chú thích (*):

CLSI - Clinical & Laboratory Standards Institute: Viện tiêu chuẩn lâm sàng và phòng xét nghiệm.

ICSH - International Council for Standardization in Haematology: Hội đồng tiêu chuẩn quốc tế về huyết học.

ISTH - International Society for Thrombosis and Hemostasis: Hiệp hội quốc tế về huyết khối và đông máu.

 

Tác giả: Lê Văn Công – Chuyên viên quản lý sản phẩm Phương Đông

Tài liệu tham khảo:

https://www.captodayonline.com/qa-column-0816/?fbclid=IwAR3T_VT8gNnOhWXr8RkM56WofaD_nbUXNXzwNEp8YsmsbdOnykXpl55KR00a