Carryover (lỗi tồn đọng) là thuật ngữ để chỉ một chất phân tích hay một hóa chất xét nghiệm ở quá trình phân tích trước vẫn còn sót lại ở lần phân tích sau, gây sai lệch kết quả ở lần phân tích sau. Điều này có thể xảy ra trên các máy phân tích tự động (huyết học, hóa sinh, miễn dịch) ban đầu thực hiện ở mẫu có chất phân tích nồng độ cao và sau đó lây nhiễm sang mẫu sau có nồng độ thấp hơn, làm mẫu sau trả ra kết quả cao hơn giá trị thực. Một số xét nghiệm miễn dịch ghi nhận thường bị ảnh hưởng bởi lỗi tồn đọng (carryover) đó là: HCG, TSH, HIV-Ab, HBV-Ab. Đối với các thông số huyết học đó có thể là: WBC, RBC, HGB, PLT (1)

Có 3 loại lỗi tồn đọng được ghi nhận, đó là: lỗi tồn đọng bệnh phẩm (sample carryover), lỗi tồn đọng hóa chất (reagent carryover) và lỗi tồn đọng hóa chất sang bệnh phẩm (reagent to specimen carryover) (2).

Lỗi tồn đọng bệnh phẩm (sample carryover) có thể đo lường thông qua phân tích 3 mẫu có nồng độ chất phân tích cao (kết quả được a1, a2 và a3), sau đó phân tích 3 mẫu có nồng độ chất phân tích thấp (kết quả được b1, b2 và b3). Công thức tính lỗi tồn đọng bệnh nhẩm (k) như sau (3):

Lỗi tồn đọng bệnh phẩm (sample carryover) của phần lớn các máy xét nghiệm tự động nhỏ hơn 1-2% và đây thường không phải là sai số đáng lưu ý ở các máy tự động có độ lặp lại (precision) tốt và trong đánh giá phương pháp (evalution method) không nhất thiết phải đánh giá chỉ số carryover. Nhưng nếu thiết bị có độ lặp lại kém, việc đánh giá carryover là cần thiết (2).

Lỗi tồn đọng hóa chất (reagent carryover) có thể xảy ra khi thực hiện các xét nghiệm khác nhau trên cùng một mẫu hoặc 2 mẫu xét nghiệm khác nhau (A và B) cùng thực hiện lần lượt các xét nghiệm như nhau (R, S, T, ….) (2).

Lỗi tồn đọng hoát chất xảy ra khi hóa chất ở xét nghiệm (R) tồn đọng trong kim hóa chất, sau đó kim này tham gia phản ứng ở xét nghiệm (S). Ảnh hưởng này có thể xảy ra, được ngăn ngừa bằng cách rửa sạch kim giữa hai lần hút hóa chất, nhưng điều này lại làm giảm tỷ lệ phân tích (2).

Lỗi tồn đọng hóa chất sang bệnh phẩm (reagent to specimen carryover) có thể xảy ra khi kim hút bệnh phẩm (sample probe) hút/nhả/trộn hóa chất ở một xét nghiệm trước đó, rồi di chuyển hút bệnh phẩm tiếp theo. Lỗi này phụ thuộc vào bản chất của hóa chất và thể tích mẫu trong cuvette, nhưng nếu các xét nghiệm khác nhau thực hiện tuần tự trên cùng một mẫu thì điều này cũng có thể xảy ra do tích tụ dần (2).

Tác giả: Lê Văn Công – Chuyên viên quản lý sản phẩm Phương Đông

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.clinlabnavigator.com/carryover.html

2. P.M.G.Broughton, Wolfson Research Laboratories, Queen Elizabeth Medical Centre, Birmingham B15 2TH, UK http://downloads.hindawi.com/journals/jamc/1984/658513.pdf

3. Dixon K, A theoretical study of carryover in discrete and continuous-flow systems https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1177/000456328201900404