Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong thời đại 4.0, việc thăm khám, điều trị của bác sỹ không chỉ đơn thuần là “nhìn, sờ, gõ, nghe”, mà còn phụ thuộc nhiều vào kết quả xét nghiệm.

Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của xét nghiệm đối với việc điều trị của bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm tin cậy không chỉ giúp bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị chính xác, mà còn giúp bác sỹ phát hiện sớm, theo dõi, dự phòng bệnh hiệu quả. Ngược lại, kết quả không tin cậy sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

  • Bác sỹ chẩn đoán sai, điều trị không đúng, dẫn đến tình trạng bệnh nhân tăng nặng, kháng thuốc, thậm chí tử vong.
  • Bác sỹ, bệnh nhân mất lòng tin vào kết quả xét nghiệm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của phòng xét nghiệm, cũng như sự hài lòng của khách hàng.
  • Khoa xét nghiệm, bệnh viện phải đối mặt với vấn đề bồi thường, truy cứu trách nhiệm khi không may xảy ra tranh cãi, kiện tụng…
  • Gây lãng phí, tốn kém thời gian chi phí, cản trở quá trình liên thông kết quả xét nghiệm trong nước, hay hợp tác quốc tế.

Chính vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng những hệ thống, công cụ nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng xét nghiệm. Một hệ thống quản lý chất lượng cơ bản sẽ gồm những phần sau:

quản lý chất lượng xét nghiệm

Hệ thống quản lý chất lượng (Quality Management Systems – QMS). Trong lĩnh vực y tế, QMS không chỉ liên quan trực tiếp đến hệ thống xét nghiệm, mà còn bao gồm những vấn đề liên quan đến lâm sàng, đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh nhân, nhân viên y tế... QMS có thể bao gồm những vấn đề về tổ chức, trang thiết bị, quản lý tài liệu hồ sơ, quản lý rủi ro, cơ sở hạ tầng, dịch vụ khách hàng, cải tiến quá trình…

Đảm bảo chất lượng (Quality Assurance - QA) là các hoạt động dự phòng nhằm ngăn ngừa, hạn chế các sai sót. Qua đó tạo điều kiện tối ưu để có kết quả xét nghiệm tin cậy và hạn chế tối đa những sai số có thể xảy ra trong ba giai đoạn của quá trình xét nghiệm (trước xét nghiệm, xét nghiệm và sau xét nghiệm).

Kiểm tra chất lượng (Quality Control - QC) là một phần của đảm bảo chất lượng nhằm phát hiện sai số nguyên nhân gây ra sai số để đề ra biện pháp khắc phục. Hay nói cách khác, kiểm tra chất lượng (QC) là công cụ đánh giá xem các biện pháp dự phòng (QA) đã được thực hiện tốt chưa. QC tập trung vào giai đoạn xét nghiệm và bao gồm 2 công cụ quan trọng:

  • Nội kiểm tra chất lượng (Internal Quality Control – IQC): là kiểm tra nội bộ trong phòng xét nghiệm.
  • Ngoại kiểm tra chất lượng (External Quality Assessment – EQA): là đánh giá bên ngoài, do một đơn vị độc lập thực hiện.

Tác giả: Bác sĩ Trịnh Đình Hoàng - Chuyên viên sản phẩm Phương Đông

Tài liệu tham khảo: Sách “Những vấn đề cơ bản trong đảm bảo chất lượng xét nghiệm y khoa”. (2015). Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm thành phố Hồ Chí Minh

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Đón đọc những bài viết tiếp theo về chủ đề quản lý chất lượng xét nghiệm

  • Nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm
  • Ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm