Hiện nay, hầu hết tất cả các xét nghiệm công thức máu đều được thực hiện trên các máy xét nghiệm huyết học tự động. Các hệ thông máy càng ngày hiện đại và cho ra kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố dẫn đến sai kết quả xét nghiệm công thức máu. Vậy những yếu tố đó là gì? 

xét nghiệm huyết học

1. Quy trình thu lượm mẫu

Huyết thanh

  • Huyết thanh thu được bằng cách để máu đông tự nhiên trong khoảng thời gian từ 30 phút - 1 giờ, ly tâm ở khoảng 3000 vòng/phút trong 10 phút, phần dịch nổi (supernatant) phía trên là huyết thanh

Huyết tương

  • -Huyết tương thu được khi loại ion Ca2+ trong máu bằng cách thêm vào máu chất chống đông là các chất tạo phức (chelators) để tạo phức với ion Ca2+ như EDTA, citrat, oxalate hoặc heparinat;
  • -EDTA-K2 và EDTA-K3 với nồng độ 1,5-2 mg/ml máu được sử dụng cho các xét nghiệm huyết học thông thường;
  • -Heparine dưới dạng các muối như amon, Li, Na, K được sử dụng theo tỷ lệ 25U/ml máu, hay 0,01-0,1 ml heparin/ ml máu;
  • -Fluoride (muối Na) được sử dụng với nồng độ 2 mg/ml máu. Fluoride có tác dụng cản trở sự đông máu và sự đường phân (glycolysis), nên thường được sử dụng để định lượng glucose máu;
  • -Dung dịch citrat (muối Na) nồng độ 3,8% hoặc 0,11 mol/ L được sử dụng cho các xét nghiệm đông máu với tỷ lệ 1 thể tích Na citrate và 9 thể tích máu toàn phần hoặc được sử dụng để lắng hồng cầu với tỷ lệ 1 phần Na citrate và 4 thể tích máu toàn phần;
  • -Kali oxalate ít khi được sử dụng chống đông máu để lấy huyết tương.
  • Sau khi chống đông, ly tâm khoảng 3.000 vòng/ phút trong 10 phút, dịch nổi phía trên thu được là huyết tương. Sự khác nhau giữa huyết thanh và huyết tương thường chỉ thấy trong sự xác định K+, phosphate vô cơ, lactate dehydrogenase (LDH) và điện di fibrinogen.
  • Ở các bệnh nhân bị chứng tăng tiểu cầu (thrombocytosis), giá trị tiểu cầu vượt trên 800.000/μL (hoặc Giga/L), việc định lượng K+ không thể thực hiện được trong huyết thanh, cần phải sử dụng thay thế bằng huyết tương chống đông với heparin.

Máu toàn phần

  • Máu toàn phần có thể thu được bằng cách sử dụng các chất chống đông như đã nêu trên (không ly tâm). Một số xét nghiệm đòi hỏi sử dụng các chất chống đông khác nhau, chẳng hạn:
  • -Thu lượm máu để định lượng glucose máu:vì tốc độ đường phân (glycolysis) là khoảng 7% mỗi giờ nên cần phải thêm một chất ức chế quá trình đường phân, như NaF (sodium fluoride) hoặc iodoacetate vào mẫu máu trước khi xác định nồng độ glucose máu.
  • -Thu lượm máu để xét nghiệm huyết học: phần lớn các phân tích về huyết học, người ta thường sử dụng máu tĩnh mạch chống đông bằng EDTA. Trong trường hợp riêng biệt, sự giảm tiểu cầu giả (pseudothrombopenia) cảm ứng bởi EDTA có thế xảy ra, mặc dù điều này không có ý nghĩa lâm sàng. Việc sử dụng máu chống đông bằng citrat sẽ làm số lượng tiểu cầu trở về bình thường.
  • -Thu lượm máu để xét nghiệm đông máu: trong các xét nghiệm đông máu, huyết tương chống đông bằng citrat được sử dụng cho các mục đích phân tích. Cần phải trộn dung dịch Na citrat vào máu chính xác theo tỷ lệ là 1 thể tích Na citrat 3,8% và 9 thể tích máu toàn phần.

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm huyết học

Hồng cầu

Tăng khi

  • Bệnh nhân mất nước, thiếu điện giải
  • Tiểu cầu to dẫn đến máy đếm tỷ lệ nhầm
  • Ông máu lắc không đều và bị hút máu ở phần đáy

Giảm khi

  • Chống đông sai tỷ lệ, lượng máu được lấy ít hơn quy định, nhất là với loại chống đông EDTA
  • Hồng cầu bị vỡ: Khi hút máu, bạ dùng kim loại đầu nhỏ hút với áp lực lớn, gây vỡ hồng cầu
  • Lắc ông máu không đều và hút ở phần trên
  • Hồng cầu bị ngưng kết do kháng thể lạnh
  • Hồng cầu quá nhỏ: do nguyên liệu tạo hồng cầu không đủ mà cần sản sinh lượng lớn hồng cầu

Bạch cầu

Tăng khi

  • Hồng cầu non ra máu ngoại vi: đây là trường hợp hay gặp, các hồng cầu non có nhân ra máu ngoại vi làm máy đếm nhầm thành bạch cầu

Giảm khi:

  • Chống đông sai tỷ lệ
  • Máu bị đông dây hoặc để quá lâu làm bạch cầu vón dính lại với nhau
  • Lắc ống máu không đều

Thay đổi công thức bạch cầu

  • Hồng cầu non ra máu ngoại vi sẽ làm tăng số lượng bạch cầu và thương làm tăng bạch cầu lympho

Tiểu cầu

Tăng khi:

  • Mảnh vỡ hồng cầu: các mảnh vỡ của hồng cầu có thể được đếm nhầm thành tiểu cầu
  • Bụi bẩn: trong máu, trong đường ống hoặc trong hoá chất làm tăng số lượng tiểu cầu
  • Nhiễm xung điện: Do máy không nối đất nên dẫn đến nhiễu xung điện

Giảm khi:

  • Chống đông sai tỷ lệ
  • Máu để quá lâu gây vón tiểu cầu
  • Máu bị đông dây

Trên đây là các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, có thể do các yếu tố bên ngoài và quá trình thu lượm mẫu. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.