Phụ nữ mang thai dễ bị suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh cảm cúm và cảm lạnh. Điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi. Dấu hiệu của hai bệnh này khó phân biệt, dễ nhầm lẫn. Có nhiều loại virus khác nhau gây cảm lạnh, hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus, Enterovirus, Coronavirus... Bệnh ít ảnh hưởng đến thai nhi trong ba tháng đầu.

Trong khi đó, cúm do virus Influenza gây ra, nguy hiểm khi thai phụ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ, làm tăng nguy cơ dị tật thai, lưu thai, sinh non...

Thông thường cảm lạnh không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh, khỏi trong vòng 3-5 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ho kéo dài sang tuần thứ hai. Còn cảm cúm thường kéo dài hơn từ một tuần đến vài tuần. Đôi khi tình trạng mệt mỏi, ăn không ngon, ho khan vẫn có thể xảy ra 6-8 tuần sau đó.

Các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm tương tự gồm sốt hoặc sốt cao khoảng 38-39 độ C, rét run, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon miệng. Người bệnh có thể bị đau họng, ho khan hoặc ho có đờm, hắt hơi, sổ mũi nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

 

Nguyên tắc điều trị chung đối với cảm lạnh là điều trị các triệu chứng.

Trong nhiều trường hợp bệnh cảm lạnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, triệu chứng ho, ho đờm, đau rát họng... có thể khiến người bệnh khó chịu, cần phải sử dụng thuốc. Đối với cúm, thai phụ cần đến các cơ sở y tế khám và có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng virus cúm. Bác sĩ chuyên khoa khám bệnh cho thai phụ.

Nhưng một vài trường hợp có thể gặp các biến chứng đường hô hấp, thường gặp hơn ở cảm cúm như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm cơ tim cấp. Bạn nên súc họng bằng nước ấm, sử dụng các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng. Khi có các triệu chứng như ngạt mũi, sổ mũi, bạn cần chú ý làm thông thoáng đường thở nhanh chóng. Bởi nhu cầu oxy ở phụ nữ mang thai nhiều, tắc nghẽn đường thở có thể tác động xấu tới giấc ngủ, khiến mệt mỏi, ảnh hưởng tới thai nhi. Xông mũi là phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện tại nhà. Mẹ bầu có thể vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%, hút rửa mũi thường xuyên.

Thai phụ mắc các bệnh hô hấp không nên chủ quan, sau khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nên test nhanh để xác định mắc cúm hay cảm lạnh. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Thai phụ thận trọng khi dùng thuốc điều trị cúm trong ba tháng đầu thai phụ, do một số loại thuốc ảnh hưởng xấu tới mẹ và bé, cần có chỉ định của bác sĩ. Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm phòng cúm. Chủng ngừa bệnh cúm an toàn trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, từ vài tuần đầu tiên đến ngày dự sinh.

(Theo VN Express)