Nhiễm giun sán rất phổ biến ở các khu vực có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Các loại ký sinh trùng thường gặp nhất là giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun lươn, giun đầu gai, giun xoắn; sán lá gan, sán lá phổi, sán ruột, sán dây, sán lợn... BS.CKI Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ký sinh trùng gây bệnh có nhiều loại nên có những biểu hiện khác nhau. Một số bệnh diễn tiến âm thầm, không triệu chứng. Số khác có dấu hiệu cảnh báo nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Triệu chứng đặc trưng của nhiễm ký sinh trùng trên da là ngứa dữ dội ở vùng da nhiễm bệnh hoặc toàn thân, tùy vào vị trí và số lượng giun sán. Tình trạng ngứa da thường xuyên lặp lại trong ngày, có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng chục năm nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Liên tục ngứa hậu môn vào ban đêm là triệu chứng dễ nhận biết nhất do nhiễm giun kim. Ban đêm là thời điểm giun cái bò ra ngoài rìa hậu môn để đẻ trứng. Cào gãi có thể gây chàm hóa vùng niêm mạc hậu môn hoặc có thể trầy xước, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Hình ảnh ấu trùng di chuyển dưới da một người bệnh.
Khi nhiễm bệnh, tùy theo loại ký sinh trùng mà có những biểu hiện da khác nhau, bao gồm nổi mày đay, sẩn cục, các đường ngoằn ngoèo màu đỏ di chuyển theo thời gian, lâu dần có thể chàm hóa hoặc nhiễm trùng. Các chất thải của ký sinh trùng tích tụ dưới da còn gây loét, sưng tấy. Trường hợp ấu trùng của giun đũa, giun móc di chuyển dưới da còn tạo ra các ban màu đỏ nâu, vằn vèo, lượn sóng, nổi gờ. Một số trường hợp có thể nổi mụn mủ, mụn nước, bọng nước tại nơi ấu trùng xâm nhập hoặc trên đường di chuyển của ấu trùng.
Người nhiễm giun sán còn có thể bị sốt kéo dài, sốt cao kèm rét run hoặc sốt cơn ngắn rồi tự cắt cơn. Một vài loại ký sinh trùng thích khu trú trong đường ruột người bệnh nên thường gây chán ăn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng. Một số loại giun sán hút máu, dinh dưỡng từ vật chủ khiến người bệnh thiếu máu, sụt cân, suy dinh dưỡng, da xanh xao, nhợt nhạt. Nhiều người có thể dễ mất tập trung, giảm trí nhớ, âu lo do bệnh.
Theo bác sĩ Long, xét nghiệm ký sinh trùng là cách hiệu quả nhất để chẩn đoán loại giun sán gây bệnh trong cơ thể. Mỗi loại ký sinh trùng có phương pháp xét nghiệm phù hợp, như xét nghiệm máu, phân, soi tươi bệnh phẩm, xét nghiệm mẫu da, tóc... Trường hợp giun sán xâm nhập nội tạng, não có thể dùng đến các thiết bị chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như siêu âm, CT, MRI. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa bệnh nhiệt đới để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị phù hợp.
(Theo VNExpress)