HbA1c là một xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường. Nồng độ HbA1c trong máu phản ánh glucose trung bình trong 8-12 tuần. Theo DCCT, nồng độ HbA1c tương quan với các nguy cơ biến chứng của đái tháo đường, các hướng dẫn về mục tiêu điều trị liên quan mật thiết với nồng độ HbA1c.
Xét nghiệm HbA1c định kỳ 3 tháng/lần là một yêu cầu đối với bệnh nhân đái tháo đường. Có nhiều phương pháp để định lượng HbA1c (tham khảo nguyên lý các phương pháp đó tại 1 & 2), trong đó hai phương pháp phổ biến nhất ở Việt Nam đó là phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC- High pressure liquid chromatography), phương pháp miễn dịch (immunoassasys).
Các phòng xét nghiệm lựa chọn phương pháp phân tích HbA1c căn cứ dựa trên các yếu tố như chi phí, số lượng mẫu/bệnh nhân, thiết bị hiện có, công suất thiết bị và các nguồn lực sẵn có. Sau khi đã đánh giá hết các yếu tố trên, trước khi quyết định sử dụng phương pháp hay thiết bị phân tích HbA1c mới, cần chú ý xem thiết bị hay phương pháp đó có được các tổ chức uy tín trên thế giới công nhận hay không. Ba tổ chức hàng đầu về kiểm định và đánh giá các phương pháp/thiết bị phân tích HbA1c, đó là chứng nhận của NGSP (National Glycohemoglobin Standardization Program), chứng nhận của CAP (College of American Pathologists), chứng nhận của IFCC (International Federation of Clinical Chemistry). Khi được các tổ chức đó công nhận, điều đó có nghĩa là thiết bị/phương pháp đó là an toàn, chính xác, tin cậy và đủ điều kiện để sử dụng trên toàn cầu.
==>> Xem thêm: So sánh ưu nhược điểm của các phương pháp xét nghiệm HbA1c hiện nay
Xét nghiệm HbA1c là quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị đái tháo đường, vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu kết quả xét nghiệm không phản ánh đúng bức tranh lâm sàng thực sự của bệnh nhân? Hay chính là các yếu tố nhiễu ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm, từ đó đưa ra chẩn đoán sai và phác đồ điều trị không hợp lý. Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các bác sỹ đưa ra những phán đoán sai từ kết quả xét nghiệm HbA1c của bệnh nhân, đó là bệnh nhân có các bất thường liên quan đến nồng độ và cấu trúc HbA1c như trong bệnh thalassemia, bệnh hồng cầu hình liềm, hoặc các biến thể bất thường khác của hemoglobin.
Sự hình thành HbA1c dựa vào sự kết hợp giữa glucose và hemoglobin, nên khi có bất thường về hemoglobin thì cũng ảnh hưởng tới phản ứng glycate hóa này. Nếu các phương pháp/thiết bị xét nghiệm không phát hiện ra bất thường của hemoglobin thì có thể rơi vào cái “bẫy” này, từ đó đưa ra kết quả HbA1c giảm giả tạo mà không có bất kỳ một cảnh báo nào.
Khả năng phát hiện các biến thể hemoglobin bất thường khi phân tích HbA1c của phương pháp HPLC và phương pháp miễn dịch như thế nào?
1. Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC): Phương pháp HPLC phân tích HbA1c dựa vào sự khác biệt về điểm đẳng điện của các loại hemoglobin, do đó bên cạnh khả năng cho phép phân tích HbA1c, phương pháp còn có thể phân tích được các hemoglobin bất thường khác như: HbF (huyết sắc tố bào thai), HbA1a/b (huyết sắc tố phụ), CarHb (carbamylated Hb), HbS (hồng cầu hình liềm). Đây là một ưu điểm vượt trội của phân tích HbA1c bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), bởi khi có mặt các biến thể hemoglobin, kết quả HbA1c không phản ánh đúng mức đường huyết trung bình. Năm 2010, Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) đã công bố HbA1c xác định bằng HPLC được coi là tiêu chuẩn cho chẩn đoán đái tháo đường. Bên cạnh đó, HPLC được coi là tiêu chuẩn vàng, là phương pháp tham chiếu của các phương pháp phân tích HbA1c khác, được sử dụng trong các nghiên cứu của Viện nghiên cứu đái tháo đường Anh (UKPDS) và Viện thử nghiệm các biến chứng và kiểm soát đái tháo đường (DCCT).
Các thiết bị phân tích HbA1c theo phương pháp HPLC cần một máy phân tích độc lập riêng. Các thiết bị phân tích HbA1c uy tín hàng đầu hiện nay đó là máy D10 & D100 của hãng Bio-rad, hãng Tosoh, hãng Arkray. Với hệ thống D10 và D100 của Bio-rad, các thiết bị phân tích HbA1c hoàn toàn tự động, cho ra kết quả chính xác chỉ chưa đầy 5 phút. Các kết quả sẽ được biểu thị trên biểu đồ sắc ký cho phép đánh giá quá trình phân tích diễn ra như thế nào, thể hiện đầy đủ về HbA1c cũng như các bất thường Hemoglobin khác.
Hệ thống đo Hemoglobin HbA1c D - 10 - một sản phẩm sử dụng theo phương pháp HPLC |
2. Phương pháp miễn dịch (immunoassasy): Phương pháp phân tích HbA1c dựa vào phản ứng kết hợp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể. HbA1c trong huyết tương bệnh nhân khi này đóng vai trò như một kháng nguyên, nó sẽ kết hợp với kháng thể thêm vào, tạo thành một phức hợp miễn dịch làm thay đổi độ đục của môi trường. Dựa vào các phương pháp đo độ đục (turbidimetters, nephelometters) hoặc quang phổ kế để xác định.
Phương pháp miễn dịch đòi hỏi cần thực hiện 2 xét nghiệm độc lập về HbA1c và tổng số hemoglobin. Trên thực tế, sự kết hợp kết quả của hai xét nghiệm có thể làm giảm độ chính xác của xét nghiệm đo HbA1c. Đây là nhược điểm của phương pháp hóa học. Tuy nhiên, ưu điểm của phương pháp có thể thực hiện tích hợp trên đa số các máy sinh hóa tự động thông thường mà không cần tới một hệ thống phân tích riêng.
==>> Xem thêm: NHỮNG LỢI THẾ CỦA XÉT NGHIỆM HBA1C SO VỚI GLUCOSE MÁU MÀ BẠN NÊN BIẾT
Bên cạnh đó, nhược điểm của phương pháp này là không phát hiện được các biến thể bất thường của Hemoglobin. Bệnh nhân xuất hiện HbF, thalassemia (thiếu chuỗi globin) sẽ làm kết quả đo HbA1c giảm giả tạo. Giống như các phương pháp miễn dịch khác, sẽ không có mối quan hệ tuyến tính giữa nồng độ và tín hiệu, việc hiệu chuẩn đa điểm (multipoint calibration) là một đòi hỏi, giúp kết quả đo HbA1c không bị chệch vượt quá dải thích hợp.
Tác giả: Lê Văn Công – Chuyên viên quản lý sản phẩm Phương Đông
Tài liệu tham khảo:
1. Glycated hemoglobin (HbA1c) as a standard diagnostic criterium for diabetes, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21544988
2. Abbott - Diabetes learning guide series
3. Considerations in Choosing Hemoglobin A1c Methods, https://www.aacc.org/publications/cln/articles/2015/april/considerations-in-choosing-hemoglobin-a1c-methods