Hầu hết các ống máu trên lâm sàng sẽ được thêm vào các chất phụ gia có tác dụng ngăn cản quá trình đông máu hoặc tăng tốc độ đông máu. Sau đó dưới tác dụng của lực ly tâm sẽ phân tách thành các lớp để thu lấy huyết thanh, huyết tương hoặc phục vụ cho các xét nghiệm khác nhau.
Dưới đây là nguyên tắc của các ống máu và thứ tự cho máu vào ống, theo khuyến nghị của Ủy ban tiêu chuẩn hóa lâm sàng (CLSI). Việc lấy máu cho vào nhiều ống theo đúng thứ tự là đặc biệt quan trọng, để phòng ngừa sự nhiễm chéo giữa các chất phụ gia từ ống này sang ống khác, làm ảnh hưởng tới quá trình xét nghiệm. Ví dụ, nếu lây nhiễm EDTA sang ống Heparin, sẽ khiến giảm giả tạo Ca++ và tăng giả tạo K+. Cho nên, cần tuân thủ và chỉ nên làm theo thứ tự như trong hình sau khi lấy máu cho vào nhiều ống, thực hiện cùng lúc nhiều xét nghiệm.
Lưu ý: (*) Màu sắc các ống máu có thể thay đổi theo nhà sản xuất, vì vậy để xác định ống máu không nên chỉ căn cứ vào màu sắc trên nắp ống, mà còn cần đọc tên trên nhãn ống.
Hình ảnh: Quy cách của 1 lắc trộn chuẩn
NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG CÁC ỐNG MÁU THÔNG THƯỜNG
1. Chai cấy máu
Dùng cho xét nghiệm cấy máu trong vi sinh, bên trong chai thường là canh thang BHI, bên trong chứa các hạt trung hòa kháng sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh.
Hình ảnh: Chai cấy máu hãng BD
2. Ống Natri citrate
Bất hoạt tạm thời quá trình đông máu bằng cách liên kết với Ca++ trong máu. Quá trình đông máu sẽ được khởi động khi bổ sung lại Ca++. Trên thị trường có 2 loại nồng độ 3.8% và 3.2%. Loại 3.8% với yêu cầu nghiêm ngặt lấy đúng lượng máu, không thừa, không thiếu, nếu không sẽ ảnh hưởng tới xét nghiệm. Với loại 3.2% có thể lấy máu trong khoảng cho phép, loại này được CLSI khuyến cáo nên sử dụng hơn.
Ống Natri citrate thường dùng cho các xét nghiệm đông máu như PT, APTT, TT, FDPs, định lượng các yếu tố đông máu.
Trong xét nghiệm công thức máu, nếu xảy ra hiện tượng tiểu cầu vệ tinh trong ống EDTA, thì có thể sử dụng ống Natri citrate để chống đông, khi đó cần chú ý máu đã bị pha loãng, kết quả từ máy cần nhân ngược lại với hệ số pha loãng.
Hình ảnh: Ống máu Natri citrate của hãng BD
3. Ống lấy huyết thanh
Có thể làm bằng thủy tinh hoặc ống nhựa, với ống nhựa bên trong sẽ chứa các hạt silicagen, thủy tinh và silicagen sẽ làm tăng tốc độ đông máu. Sau khi ly tâm sẽ thu được huyết thanh.
Ống huyết thanh có thể sử dụng cho các xét nghiệm sinh hóa thường quy, các xét nghiệm miễn dịch, huyết thanh học, định nhóm máu. Không nên sử dụng cho các xét nghiệm điện giải đồ.
Hình ảnh: Ống lấy huyết thanh của hãng BD
4. Ống heparin
Chứa thành phần Lithium heparin. Heparin ức chế sự đông máu bằng cách tạo phức với thrombin, làm bất hoạt thrombin. Thrombin được coi là trung tâm của hệ thống đông máu. Khi thrombin bị bất hoạt, chúng không thể phân cắt các fibrinogen thành fibrin, từ đó không hình thành cục đông.
Ngoài đặc tính tạo phức với thrombin, heparin còn tạo phức với Anti-thrombin 3 (AT3) và tăng kết tập tiểu cầu.
Heparin được sử dụng phổ biến trong hầu hết các xét nghiệm hóa sinh, miễn dịch. Không phù hợp cho các xét nghiệm huyết học và đông máu
Hình ảnh: Ống Heparin của hãng BD
5. Ống EDTA
Ngăn cản quá trình đông máu bằng liên kết với Ca++ trong máu, hình thành phức hợp EDTA-Ca bền vững. Do tính chất giữ hình dạng tế bào ổn định trong thời gian dài nên thích hợp cho các xét nghiệm khảo sát tế bào máu như: Tổng phân tích máu, HbA1C, tốc độ máu lắng, huyết đồ, kéo lame quan sát ký sinh trùng trong máu.
Ống EDTA thường là muối của Natri-EDTA hoặc Kali-EDTA, nhưng loại Kali-EDTA thường dùng hơn và thường ở 2 dạng: K2-EDTA dạng khô và K3-EDTA dạng lỏng. Với dạng khô K2-EDTA, chống đông được phun lên thành ống, do đó nếu kém lắc trộn ống máu thì cũng có thể chấp nhận, nhưng tiểu cầu dễ bị vón cục. Ngược lại, với K3-EDTA dạng lỏng, chứa 1 lượng sẵn chống đông, việc lắc trộn đều ống máu, đủ số lần là yêu cầu bắt buộc, do đó cũng hạn chế tiểu cầu vón. Nhưng nếu quên không lắc trộn máu sau khi lấy, hoặc kém lắc trộn, máu trong ống có thể đông một phần, làm sai lệch kết quả hoặc có thể không phân tích được.
Do đặc tính chứa Natri, Kali và khả năng liên kết với kim loại hóa trị II, nên không dùng cho các xét nghiệm điện giải đồ (chứa sẵn Na+, K+), Sắt, Calcium, ALP.
Ngoài ra, ống EDTA cũng có thể sử dụng cho các xét nghiệm sinh hóa thường quy khác, tuy nhiên cần đọc hướng dẫn xem hóa chất xét nghiệm bạn dùng có thể thu thập bằng ống EDTA được không.
Hình ảnh: Ống EDTA của hãng BD
6. Ống NaF
Chứa thành phần Kali Oxalate và NaF. Kali Oxalate hoạt động như một chất chống đông bằng cách liên kết Ca++ của máu. NaF đóng vai trò như một chất ngăn cản quá trình đường phân, ngăn cho glucose trong máu không bị phân hủy.
Nhớ rằng, cứ sau 1h lấy máu, glucose trong ống máu sẽ giảm đi 7%, do hồng cầu sử dụng glucose để tạo năng lượng và duy trì hình dạng. Do đó, ống NaF thích hợp cho các xét nghiệm hóa sinh mà không tiến hành ngay được (lấy máu ở nơi xa).
Ống NaF có thể sử dụng cho các xét nghiệm hóa sinh thường quy, trừ các xét nghiệm liên quan tới kim loại như Ca, hay điện giải (Na, K..).
Hình ảnh: Ống Sodium Fluoride của hãng BD
Tác giả: Lê Văn Công - Chuyên viên sản phẩm Phương Đông
Tài liệu tham khảo: Clinical and Laboratory Standards Institute (CLSI). Collection of Diagnostic Venous Blood Specimens; Approved Standard. 7th ed. CLSI document GP41. Wayne, PA: CLSI; 2017