Tiếp nối chuỗi bài viết về quản lý chất lượng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nội kiểm tra chất lượng trong phòng xét nghiệm.

Hãy thử tưởng tượng kết quả ALT của một bệnh nhân là 300 U/L, kết quả này có thể gợi ý bệnh lý viêm gan hay tắc mật. Tuy nhiên, bác sỹ khám lâm sàng không phát hiện tình trạng vàng da, hay đau tức vùng dưới gan..., họ nghi ngờ kết quả và yêu cầu xét nghiệm lại. Điều này không chỉ gây mất thời gian và công sức cho việc tìm hiểu nguyên nhân mà còn gây tổn hại đến uy tín của phòng xét nghiệm.

Vậy làm thế nào để chúng ta khẳng định kết quả này là tin cậy, làm sao để biết rằng kết quả chúng ta phản ánh đúng tình trạng lâm sàng của bệnh nhân? Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như quy trình xét nghiệm, loại thiết bị, phương pháp, tình trạng hóa chất, điều kiện môi trường (ánh sáng, nhiệt độ…) hay tay nghề của kỹ thuật viên. Vì vậy, để có cơ sở kết luận kết quả của bệnh nhân là chính xác cần có công cụ để theo dõi, đánh giá tất cả các yếu tố kể trên. Một trong những công cụ đó chính là nội kiểm tra chất lượng

Định nghĩa: Nội kiểm tra chất lượng là công cụ kiểm tra chất lượng hàng ngày trong nội bộ phòng xét nghiệm, và được thực hiện bởi kỹ thuật viên của phòng xét nghiệm nhằm đánh giá liên tục các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm, từ đó đi đến quyết định liệu kết quả xét nghiệm có đủ tin cậy tước khi trả cho bác sỹ lâm sàng hoặc bệnh nhân

Như vậy việc thực hiện nội kiểm có thể giúp chúng ta:

·         Phát hiện sai số và xác định loại sai số (sai số ngẫu nhiên, sai số hệ thống), từ đó tìm nguyên nhân và phương án khắc phục.

·         Theo dõi điều kiện môi trường, thiết bị, hóa chất

·         Đánh giá quy trình, thiết bị, phương pháp, hóa chất, tay nghề của kỹ thuật viên. Từ đó đánh giá độ tin cậy của kết quả xét nghiệm

·         Và cũng là công cụ quan trọng, là cơ sở pháp lý để đảm bảo kết quả của bệnh nhân là chính xác

Có những loại mẫu nội kiểm nào? Dựa vào nguồn gốc, đặc điểm, cách sản xuất mẫu nội kiểm mà có nhiều cách phân loại khác nhau:

1. Theo nguồn gốc: Từ các sinh phẩm từ người, động vật (máu, huyết thanh, nước tiểu, dịch não tủy…)

2. Theo dạng: Dạng lỏng và dạng đông khô

3. Theo nhà sản xuất:

·         Nội kiểm do phòng xét nghiệm tự sản xuất (In-house control) với ưu điểm là giá thành rẻ.

·         Nội kiểm đi kèm theo máy (In-kit control) dùng cùng thiết bị, hóa chất, mẫu hiệu chuẩn, kiểm chuẩn của cùng một hãng.

·         Nội kiểm bên thứ 3 (Third party control), có tính khách quan cao, thuận tiện khi sử dụng do hạn bảo quản dài và có nhiều thông số trong một mẫu nội kiểm.

Sau đây là một số gợi ý để chúng ta có thể lựa chọn mẫu nội kiểm phù hợp:

·         Nên chọn mẫu được sản xuất từ các sinh phẩm của người, như vậy kết quả nội kiểm sẽ phản ánh sát nhất với kết quả của bệnh nhân.

·         Dạng đông khô thường dễ bảo quản hơn, tuy nhiên cần phải hoàn nguyên khi sử dụng. Trong khi dạng lỏng sẽ có thể sử dụng ngay, nhưng thường cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu.

·         Những mẫu nội kiểm có hạn sử dụng dài sẽ thuận tiện trong quá trình theo dõi chất lượng, hạn chế phải thay đổi dải tham chiếu.

·         Lựa chọn các thương hiệu lớn, nhiều kinh nghiệm về quản lý chất lượng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho việc xử lý các sai số, giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân đồng thời nâng cao uy tín cho phòng xét nghiệm.

Vậy khi nào cần tiến hành nội kiểm?

Đầu tiên, mẫu nội kiểm cần được tiến hành thường xuyên, tối thiểu là định kỳ hàng ngày, có thể chạy đầu giờ trước khi chạy mẫu bệnh nhân. Ngoài ra, chúng ta cần nội kiểm lại khi có bất kỳ những thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

·         Sau khi có một thiết bị mới đưa vào sử dụng hay thay đổi phương pháp xét nghiệm

·         Thay lô hóa chất/thuốc thử mới

·         Thay lô mẫu nội kiểm mới, lô chất hiệu chuẩn mới

·         Hay sau khi thiết bị, máy móc được sửa chữa, hiệu chuẩn lại

Ngoài ra, phòng xét nghiệm cần xây dựng quy trình tiến hành nội kiểm, nếu kết quả nội kiểm không đạt thì cần tiến hành tìm nguyên nhân và khắc phục. Chỉ khi kết quả nội kiểm đạt mới được trả kết quả cho bệnh nhân

Tác giả: Bác sĩ Trịnh Đình Hoàng - Chuyên viên sản phẩm Phương Đông

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Đón đọc những bài viết tiếp theo về chủ đề quản lý chất lượng xét nghiệm

·         Mẫu nội kiểm tra độc lập (nội kiểm bên thứ 3)

·          Ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm