Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gan Gan là nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất của cơ thể. Gan làm nhiệm vụ chuyển hóa các chất dinh dưỡng, thanh lọc các độc tố và tổng hợp chất mật, tạo ra enzym cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, gan có thể bị mắc nhiều loại bệnh do tác nhân của vi khuẩn, virus và thói quen ăn uống hàng ngày. Một số yếu tố khiến bạn dễ mắc các bệnh về gan, trong đó lạm dụng rượu bia là hay gặp nhất. Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
Dùng chung kim tiêm.
Hình xăm hoặc xỏ khuyên bằng kim không được khử trùng.
Công việc liên quan đến việc tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể khác có chứa virus.
Quan hệ tình dục với nhiều đối tượng mà không có biện pháp bảo vệ sẽ dễ bị lây truyền qua đường tình dục.
Người mắc bệnh tiểu đường hoặc cholesterol cao.
Tiền sử gia đình mắc bệnh gan.
Tăng cân bất thường.
Tự ý dùng thuốc nhiều hơn liều khuyến cáo của một số loại thuốc.
Biểu hiện khi gan bị tổn thương
Những triệu chứng phổ biến có thể chỉ ra một số loại tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm:
Người bệnh xuất hiện da và mắt màu vàng, được gọi là bệnh vàng da;
Phân có màu xanh hoặc đen có máu;
Bụng to do cổ trướng – có thể gây khó chịu khi nằm;
Một số vấn đề về não sẽ gây ra những thay đổi đáng kể về tâm trạng, giấc ngủ và nhận thức.
Đối với suy gan cấp thì các triệu chứng bao gồm: Chảy máu, hơi thở có mùi ngọt hoặc mốc (mùi amoniac), ăn không ngon, vàng da, cơ thể mệt mỏi. Suy gan thường phát triển trong nhiều năm với một số triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon, tiêu chảy, nôn ra máu, xuất hiện máu trong phân.
Về điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể gan bị tổn thương do nhiễm độc thuốc thì cần ngưng sử dụng, tham vấn ý kiến bác sĩ để thay thế bằng loại thuốc khác. Nếu nhiễm siêu vi, người bệnh cần điều trị theo phác đồ. Bệnh gan do bia rượu và một số bệnh lý về gan khác có thể điều trị bằng cách khắc phục các triệu chứng, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Trường hợp gan bị tổn thương nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm có thể phải phẫu thuật. Ví dụ suy gan giai đoạn cuối cần tiến hành ghép gan. Vì vậy, để xác định chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị bệnh kịp thời, chúng ta nên thăm khám định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
5 biện pháp bảo vệ lá gan khỏe mạnh
Bệnh gan thường nguy hiểm, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Khi phát bệnh thậm chí sẽ đe dọa tính mạng người bệnh. Dưới đây là một số gợi ý giữ cho lá gan luôn khỏe mạnh.
Hạn chế uống rượu: Gan chỉ có thể xử lý một lượng bia và rượu nhất định cùng một lúc. Nếu uống nhiều bia, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian điều này có thể dẫn đến viêm, xơ hóa hoặc ung thư gan. Vì vậy, hạn chế uống bia, rượu là cách tốt nhất để bảo vệ gan.
Ăn uống lành mạnh: Ăn kiêng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan. Nếu thường xuyên ăn các thực phẩm béo, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều hóa chất, thực phẩm ôi thiu… có thể sẽ gây áp lực rất lớn cho gan. Khi gan "quá tải" chất độc có thể tích tụ trong gan và dẫn đến bệnh tật. Vì vậy, để có một lá gan khỏe mạnh bạn nên thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Tốt nhất nên ăn nhiều loại rau, trái cây để cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và khoáng chất. Để thúc đẩy quá trình giải độc gan và thanh lọc cơ thể, nên uống 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt, nên hạn chế uống rượu vì những đồ uống này là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan. Thức ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo và nhiều carbohydrate, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh chuyển hóa như tiểu đường. Vì vậy để tránh mắc bệnh về gan, bạn cần tránh ăn nhiều thức ăn nhanh.
Có lối sống lành mạnh và luôn lạc quan: Căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến gan bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, hãy luôn duy trì tâm trạng vui vẻ, lạc quan để cơ thể luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, cũng nên duy trì những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, rửa tay thường xuyên... để tránh làm tổn thương gan. Giảm thiểu rủi ro mà bệnh viêm gan siêu vi có thể gây ra.
Tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan và không quan hệ tình dục không an toàn với người không quen biết. Không dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu... với người khác. Không dùng chung kim tiêm. Tránh ăn thực phẩm chưa nấu chín để ngăn ngừa viêm gan siêu vi lây truyền qua đường tiêu hóa.
Khám bệnh định kỳ: Đây là một thói quen vô cùng cần thiết. Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện bệnh gan ngay cả khi không có dấu hiệu rõ ràng. Nếu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hoặc có dấu hiệu cảnh báo bệnh gan thì việc chú ý khám và phát hiện sớm là rất quan trọng. Đôi khi các dấu hiệu nhận biết bệnh gan không rõ ràng và có thể dễ bị nhầm lẫn ở giai đoạn đầu. Vì vậy, nếu gan có vấn đề không biết phải làm sao thì cần phải đi khám kịp thời để phát hiện bệnh.
(Theo Sức khỏe và Đời sống)