Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Phạm Khắc Nghiêm, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Gan là tạng lớn nhất trong cơ thể (khoảng 1,5 kg ở người trưởng thành), chiếm đến 2% tổng khối lượng cơ thể.

Cơ quan này đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như:

Bài tiết mật:

Trung bình mỗi ngày, gan bài tiết 600-1.000 ml dịch mật. Mật tiết ra từ gan chứa muối mật có vai trò bài tiết cholesterol. Khoảng 1-2 g cholesterol được đào thải qua dịch mật mỗi ngày. Hàm lượng cholesterol trong dịch mật tùy thuộc vào lượng chất béo tiêu thụ từ chế độ ăn hàng ngày. Người ăn nhiều chất béo trong thời gian dài, lượng cholesterol càng cao, làm tăng nguy cơ cao mắc bệnh sỏi túi mật. Dịch mật cũng thực hiện chức năng bài tiết bilirubin. Bilirubin là sản phẩm của quá trình giáng hóa hồng cầu, hoạt động tương tự như chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim mạch. Nồng độ bilirubin quá cao gây hại cho cơ thể, tích tụ trong máu dẫn đến mệt mỏi, kích thích các dây thần kinh dưới da, gây ngứa. Gan thực hiện chức năng bài tiết dịch mật.

Gan thực hiện chức năng bài tiết dịch mật. Ảnh: Freepik

Chuyển hóa carbohydrate:

Trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, gan thực hiện chức năng dự trữ glycogen, chuyển hóa galactose và fructose thành glucose, tạo glucose (gluconeogenesis). Lượng glucose thừa được đào thải ra khỏi máu, đưa vào dạng dự trữ. Nồng độ đường máu bắt đầu giảm thì chuyển hóa trở lại thành glucose để cung cấp cho các cơ quan, tránh hạ đường huyết. Chức năng tạo glucose chỉ xảy ra khi nồng độ đường máu dưới ngưỡng bình thường. Một lượng lớn amino axit và glycerol từ triglycerid được chuyển hóa thành glucose, đảm bảo duy trì nồng độ glucose trong máu gần nhất với ngưỡng bình thường.

Chuyển hóa chất béo:

Hầu hết tế bào của cơ thể đều có thể chuyển hóa chất béo, nhưng gan đảm nhận nhiệm vụ chính. Gan thực hiện chức năng oxy hóa axit béo để cung cấp cho các hoạt động chức năng của cơ thể, tổng hợp lượng lớn cholesterol, phosholipid và phần lớn lipoprotein, đồng thời tổng hợp chất béo từ protein và carbohydrate. Hầu hết chất béo được tổng hợp từ carbohydrate và protein cũng xuất hiện ở gan, sau đó được vận chuyển ở dạng lipoprotein đến các mô mỡ để dự trữ. Dấu hiệu gan khỏe Dấu hiệu gan khỏe Ngủ ngon giấc, tinh thần vui vẻ, da dẻ mịn màng, vết thương mau lành cho thấy gan hoạt động tốt.

Chuyển hóa protein:

Cơ quan này có chức năng khử amin của các amino axit, tổng hợp ure từ các gốc amoni và đào thải ra khỏi cơ thể. Tổng hợp protein huyết tương, đồng thời chuyển hóa trung gian các amino axit và tổng hợp các hợp chất khác từ amino axit. Quá trình khử amin của amino axit là điều kiện để tạo năng lượng và chuyển hóa carbohydrate hoặc chất béo. Gan tổng hợp ure để tránh tình trạng nồng độ amoni trong máu tăng nhanh, dẫn đến nhiễm độc nặng, hôn mê, tử vong.

Dự trữ các vitamin:

Lượng vitamin A dự trữ ở gan có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cơ thể trong vòng 10 tháng. Vitamin D dự trữ trong gan dự phòng thiếu vitamin D trong vòng 3-4 tháng và lượng B12 dự trữ có thể đủ cho cơ thể dùng trong vòng ít nhất một năm hoặc vài năm.

Dự trữ sắt ở dạng ferritin:

Ngoài ở dạng kết hợp trong phân tử hemoglobin, một lượng lớn sắt trong cơ thể được dự trữ ở gan dưới dạng ferrintin. Tế bào gan chứa một lượng lớn apoferritin (protein) có khả năng liên kết với sắt. Nếu sắt trong cơ thể vượt quá mức nhất định được kết hợp với apoferritin để chuyển thành ferrintin, dự trữ trong tế bào gan. Khi lượng sắt trong dịch tuần hoàn thấp, ferritin giải phóng sắt vào hệ tuần hoàn. Nói cách khác, hệ apoferritin-ferritin của gan hoạt động như một hệ đệm sắt của máu và đồng thời là nơi dự trữ sắt của cơ thể.

Đào thải thuốc, hormone và các chất khác:

Gan có khả năng đào thải sulfonamide, penicillin, ampicillin và erythromycin, một số loại hormone như thyroxin, và các hormone steroid (estrogen, cortisol và aldosteron). Tổn thương gan gây tích lũy quá mức một hoặc nhiều hormone kể trên, dẫn đến biểu hiện của cường chức năng hormone đó. Gan thực hiện chức năng đào thải thuốc. Ảnh: Freepik Gan thực hiện chức năng đào thải thuốc. Ảnh: Freepik

Sản xuất các yếu tố tham gia vào quá trình đông máu: Fibrinogen, prothombin, acceleractor globulin và vài yếu tố quan trọng khác.

Theo bác sĩ Nghiêm, gan là cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhận đồng thời nhiều chức năng quan trọng. Vì vậy, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ gan, đảm bảo cơ quan hoạt động ổn định, tránh xảy ra bệnh lý không mong muốn.

(Theo VNExpress)